Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Cách đây 113 năm, từ Bến càng Nhà Rồng (Sài Gòn), Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. 58 năm sau, trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. 6 năm sau, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối. 

Trong lòng Hồ Chí Minh - miền Nam “đi trước về sau”. Trước khi cả nước đứng lên chống Pháp thì đồng bào miền Nam đã anh dũng kháng chiến. Người tự hào trong kháng chiến, tuy tan nát cửa nhà, hy sinh tính mạng, tù đày, nhưng lòng yêu nước của đồng bào Nam Bộ gan vàng dạ sắt vẫn trơ như, đá vững như đồng. Người tin tưởng chắc chắn và hứa với đồng bào miền Nam với quyết tâm của đồng bào miền Nam và quyết tấm của nhân dân cả nước, Nam Bộ yêu quý nhất định trở lại trong lòng Tổ quốc.

 

Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Chí Minh có những thư gửi riêng cho đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ. Người khẳng định đồng bào Nam Bộ là đội quân xung phong của dân tộc, trải qua thời gian đầy hy sinh, cực khổ gian nan nhưng cũng đầy lòng nồng nàn yêu nước, sự quả cảm, anh dũng chiến đấu hy sinh, chí quyết thắng được vun bồi ngày càng vững chắc.

 

Từ khi đế quốc Mỹ công khai can thiệp vào Đông Dương và mưu gạt thực dân Pháp để độc chiếm Đông Dương, cả nước trở thành một chiến trường chống Pháp và Mỹ. Từ Đại hội II (2-1991), Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt thực dân Pháp và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới. Mục đích trước mắt là Đảng Lao động Việt Nam “lãnh đạo toàn dân kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn, tranh lại thống nhất và độc lập hoàn toàn, lãnh đạo toàn dân thực hiện dân chủ mới, xây dựng điều kiện để tiến lên chủ nghĩa xã hội”[1]. 

 

Nam Bộ kháng chiến trước nhất, đó là điều Hồ Chí Minh luôn luôn suy nghĩ và trăn trở. Người theo dõi từng giờ từng phút cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ trên chiến trường miền Nam. Người nói dù ở xa nhưng lòng tôi và Chính phủ rất gần Nam Bộ. Từ khi Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, miền Bắc được giải phóng, đế quốc Mỹ biến thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định nhiệm vụ thiêng liêng của chúng ta là kiên quyết đấu tranh thi hành Hiệp nghị Giơnevơ, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình, hoàn thành sự nghiệp vẻ vang giải phóng dân tộc.

 

“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”

 

Ngay khi đế quốc Mỹ và chính quyền thân Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, phá hoại tổng tuyển cử tự do trên toàn quốc, Hồ Chí Minh đã vạch rõ đường lối đấu tranh của nhân dân Việt Nam là toàn dân từ Nam đến Bắc đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra sức củng cố miền Bắc thành nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Đó là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, phức tạp, nhưng nhất định thắng lợi. Trên Diễn đàn Đại hội III của Đảng, khi nhắc lại miền Bắc được hoàn toàn giải phóng thì miền Nam nước ta vẫn còn phải sống đau khổ dưới ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm, Hồ Chí Minh khẳng định miền Nam rất xứng đáng với danh hiệu vẻ vang là “Thành đồng Tổ quốc” và nêu quyết tâm không ngừng đấu tranh để hòa bình thống nhất đất nước, giải phóng miền Nam ra khỏi cảnh lửa bỏng nước sôi. Người chỉ rõ Đại hội III là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

 

Với Hồ Chí Minh, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Người nêu quyết tâm cùng nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thực hiện kỳ được “thống nhất đất nước, Nam Bắc một nhà”. Đó cũng là niềm tin chắc chắn của Người.

 

Bác Hồ với đồng bào Nam Bộ và sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được thể hiện qua đường lối và hành động; lời nói và việc làm; quyết tâm, tín tâm và đồng tâm; đặc biệt nhiều câu chuyện cảm động ẩn chứa trong đó sự sâu lắng tình nghĩa của một lãnh tụ tự coi mình đối với miền Nam “không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ”[2]. Tiếp chuyện và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cu Ba), với lời khẳng định “tôi hiến cả đời tôi cho Tổ quốc tôi”, Người bộc bạch tình cảm của mình, yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như đồng bào ở miền Nam. Với miền Nam, Người nhắc lại câu nói “miền Nam đi trước về sau” để khẳng định miền Nam đấu tranh trước tiên để chống quân xâm lược nước ngoài nhưng mấy chục năm không được hưởng một ngày hòa bình và sẽ được giải phóng sau miền Bắc. Mấy chục năm, dưới ách thống trị của Pháp rồi Mỹ - Diệm, nhân dân miền Nam không có tự do, chỉ có đau khổ. Người nói: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”[3].